Đời Phu Trầm Ngậm Ngải Tìm Trầm Săn Giấc Mơ Tỷ Phú | Trương Văn Chư

Đời Phu Trầm Ngậm Ngải Tìm Trầm Săn Giấc Mơ Tỷ Phú

Được ví quý hơn vàng ròng, nhiều người đã vào rừng già tìm Trầm, Kỳ để mong đổi đời. Hãy cùng tìm hiểu về Đời phu trầm "Ngậm ngải tìm trầm" săn giấc mơ tỷ phú. 

Đời Phu Trầm Ngậm Ngải Tìm Trầm Săn Giấc Mở Tỷ Phú 01

1/ Phu trầm (Địu trầm) là nghề gì?

Phu trầm hay người địu trầm là từ dùng để định danh cho những người lấy việc tìm và khai thác trầm hương trong rừng sâu làm nghề chính. Những người này sẽ đi vào các khu rừng sâu và đầy nguy hiểm để tìm kiếm những cây Gió Bầu có gỗ trầm và khai thác chúng để bán lấy tiền.

Nếu may mắn tìm thấy được trầm hương và thậm chí là Kỳ Nam thì những người địu trầm có thể đổi đời nhanh chóng. Bởi 1 ký trầm hương có giá lên đến hàng chục triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, làm nghề này những phu trầm sẽ phải đối mặt với rất nhiều những nguy hiểm chốn rừng thiêng, nước độc. Không chỉ vậy mà họ còn có thể mất đi cả mạng sống của mình.

2/ Vì sao lại gọi là "Ngậm ngải tìm trầm"?

Bắt nguồn từ truyền thuyết:

Thuở xa xưa có một trầm phu lang thang từ núi này sang núi nọ để đi tìm trầm hương quý. Trước khi lên đường, người trầm phu này có đến gặp một thầy mo cao tay trong làng để xin một lá bùa may mắn. Sau khi làm phép xong, thầy mo trao cho chàng thanh niên một viên thuốc và dặn dò: Chỉ cần ngậm thuốc này thì có đi bao nhiêu ngày cũng không thấy đói, thấy khát, có lạc vào rừng sâu núi cao thì cũng không sợ hùm beo làm hại.

Người phu trầm nhận lấy viên thuốc xong, cảm tạ thầy mo rồi khăn gói lên đường đi tìm trầm hương. Ngày qua ngày băng rừng lội suối nhưng mãi vẫn không tìm thấy gì, trong khi đó lương thực mang theo cũng dần cạn kiệt. Lúc này người trầm phu định quay đầu trở về nhà, nhưng ngặt nỗi không nhớ đường về.

Nhớ lời thầy mo, chàng lấy viên thuốc ngải ngậm vào miệng và tiếp tục đi vào rừng. Rồi năm tháng dần qua, viên ngải trong miệng cũng dần tan hết và người phu trầm không ngờ mình lại hóa thành con hổ mình đầy lông lá.

Thực tế là:

Cây Dó bầu (Aquilaria tree) là loài thường mọc trong rừng sâu, núi cao, những nơi hiểm trở và xen lẫn với những loài cây khác nên rất khó tìm. Hơn nữa, hàng trăm, hàng ngàn cây dó mới có một cây cho trầm nên người ta phải luồn rừng hết ngày này tháng khác trong rừng để tìm kiếm.

Quá trình đi rừng dài ngày như thế, lương thực mang theo không thể đáp ứng được nhu cầu, nên khi hết lương thực, người đi rừng phải đào củ ngải, một loại riềng dại, có vị thơm dịu để ngậm, làm cho ruột đỡ cồn cào trong quá trình tìm đường về.

Vì cuộc hành trình dài ngày, vất vả nên khi trở về, người tìm trầm thường hốc hác, râu tóc xồm xoàm, quần áo rách mướp, trông chẳng khác gì người rừng, nên người đời thường tưởng tượng ra cảnh ngậm ngải tìm trầm lâu ngày sẽ biến thành người rừng. Cụm từ “ngậm ngải tìm trầm” chỉ sự vất vả, nhọc nhằn của những người đi khai thác trầm trong rừng sâu.

Quá trình tìm trầm cũng được huyễn hoặc hóa và được giới tìm trầm rất tin. Người ta tin rằng, chỉ có người sống lương thiện thì mới gặp được Thiên Y Ana, là hóa thân của trầm, kỳ. Chính vì vậy, trước khi xuất hành vào rừng, người ta phải ăn chay 3 ngày, tránh chung đụng với phụ nữ, xuất hành vào ngày đẹp, giờ đẹp và trong quá trình đi rừng không được có ý nghĩ ám muội, gây gổ, đánh nhau...

Khi tìm thấy cây dó bầu có biểu hiện cho trầm thì phải nhịn đói để giữ mình tinh khiết, tìm đến suối tắm rửa sạch sẽ rồi cúng vái thần rừng để tạ ơn trước khi đốn hạ cây dó bầu tìm trầm.

3/ Luật "Bất thành văn" trong giới phu trầm.

Đối với dân đi trầm, chuyện sống chết thường chỉ trong gang tấc, những hiểm nguy luôn rình rập, nên chỉ có một cách duy nhất để tồn tại được trong chốn rừng thiêng nước độc, đó chính là sự đoàn kết. Dân “địu” thường tập trung từ 6-15 người một nhóm, mỗi nhóm đều cử ra một Bầu trưởng để điều hành cả nhóm.

Việc chọn Bầu trưởng cũng có những yêu cầu hết sức khắt khe về lễ nghi, kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất Bầu trưởng phải là người tạo nên sự thống nhất và lòng đoàn kết của các phu trầm trong nhóm. Đoàn kết, như một luật tục bất thành văn đối với dân phu trầm ở chốn đại ngàn.

Hơn nữa, trong giới trầm phu thì việc phân chia lợi nhuận được thỏa thuận trước. Ví như nhóm có 10 người thì sau khi khai thác được trầm sẽ chia ra thành 10 phần, và tất nhiên người phát hiện sẽ được phần nhiều hơn. Chính vì những thỏa thuận trước này đã làm cho những phu trầm trong đoàn yên tâm và đoàn kết hơn.

4/ Những câu chuyện đời thức.

a/ Chuyện của ông Câu.

Theo ông Câu - người có nhiều năm làm nghề phu trầm kể chuyện, ông luôn khẳng định việc trúng kỳ nam là do may mắn, chứ không ai biết trước là “Bà chúa” sẽ cho lộc về người nào. Cũng vì thế, nên với bất cứ dân phu trầm nào trúng được “lộc ông lộc bà” thì nhất định không bao giờ được có ý nghĩ độc chiếm mà phải để dành một ít cho những người sau được “hưởng sái”.

Đời Phu Trầm Ngậm Ngải Tìm Trầm Săn Giấc Mở Tỷ Phú 02

Cũng theo như ông Câu cho biết, từ xưa đến nay hễ ai ở trong thôn trúng được kỳ nam thì dân làng cũng nhiều người cũng được hưởng theo. Điển hình mới nhất đây là vụ cha con ông Ân trúng kì nam ở An Khê (tỉnh Gia Lai) thì cũng để lại một phần rồi sau đó thông báo cho anh em trong thôn đi lên đó để hưởng “lộc rừng” cùng với mình.

Theo đó, cha con ông Ân trúng được gần 20 tỉ thì trong làng này có hơn 100 người “hưởng sái”, mỗi người được trên dưới 50 triệu đồng. Hay cách đó khoảng hơn chục năm, trong thôn Phú Cang 2 này cũng có gia đình nhà ông Nguyễn Hữu Chinh (SN 1955) đang làm nghề đốt than ở khu rừng Núi Lửa (tỉnh Đắk Lắk) thì may mắn được “người khuất mặt” dẫn đến chỗ có kỳ nam và cũng trong đêm đó 2 cha con ông trúng gần 10 tỉ, sau đó báo cho những người trong thôn lên để “mót” và tùy từng nhóm người lên trước lên sau mà trúng nhiều hay ít, nhưng người “bọt bèo” nhất cũng được cả trăm triệu đồng.

“Dù trúng tiền ít hay trúng nhiều, nhưng bất kì ai sau khi được trúng “lộc rừng” thì sau đó đều phải bỏ một ít ra làm từ thiện, cứu giúp những trường hợp nghèo khổ trong thôn. Theo như quan niệm của dân “địu” thì những người may mắn trúng được trầm đều là do “Bà Chúa” ban phước.

Khi nhận được ơn huệ này, những người hưởng lộc phải biết giúp đỡ những người khác thoát khỏi cánh đói khát, nếu không thì sẽ bị “Bà chúa” quở phạt và lấy hết lại số tiền đã ban cho. Trong những năm qua, những người trúng trầm đều không quên điều này.

Ví như trong chuyến trúng tiền tỉ vừa rồi, gia đình ông Ân đã chi 15 triệu đồng để xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho học sinh trường tiểu học xã Vạn Phú, chi 15 triệu đồng để lợp mái tôn cho trường mẫu giáo Vạn Phú 2, đồng thời 2 cha con ông đã bỏ tiền trợ cấp cho mỗi thôn 1 tấn gạo.

Ngoài ra những người trúng số tiền ít hơn cũng chi một phần ra để giúp đỡ những hộ nghèo, những người già cả neo đơn, những gia đình có có người bị đau ốm bệnh tật”, ông Quang - Trưởng thôn Phú Cang 2 - chia sẻ…

b/ Chuyện của ông Hường.

Ở tuổi 60, ông lão Nguyễn Văn Hường (thôn Trung Viên, Quế Trung, huyện Nông Sơn) đen sạm, săn chắc. Hơn 20 năm trước, lão đã là trưởng của một bầu (nhóm) trầm, gom người ở tận Huế, Phú Khánh (Khánh Hòa ngày nay) rong ruổi khắp các cánh rừng trầm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa… Lão Hường bảo: đi “điệu” (tìm trầm) cần sức khỏe của đám trai trẻ nhưng không thể thiếu kinh nghiệm của các vị cao tuổi.

Đời Phu Trầm Ngậm Ngải Tìm Trầm Săn Giấc Mở Tỷ Phú 03

“Ngàn cây dó mới có một cây có trầm, ngàn cây có trầm may ra mới có một cây có kỳ. Cây dó cao 30-40 mét trở lên, lá đã vàng thân cây có nhiều u bướu do bị kiến, côn trùng đục khoét, tạo thành các vết thương, từ đó tích tụ mới thành trầm. Kỳ thì vô cùng quý hiếm rồi” - lão Hướng nói. Chưa lúc nào trúng kỳ, nhưng lão thuộc làu làu những “luật ngầm” giới trầm như “chứng chỉ hành nghề” lận lưng. Rằng khi trúng trầm, kỳ, phu trầm phải thông báo cho cả bầu.

Kinh nghiệm cho giới phu trầm thấy, nếu trúng “lộc rừng” loại này phải nhanh chóng đào bới, phân tán thành các cục kỳ để chia từng người. Rồi mỗi người mỗi hướng lao ra khỏi rừng, đón xe về nhà. Họ tiếp tục hẹn nhau một điểm để cùng bán và chia phần. Ai phát hiện kỳ nam sẽ được chia thêm một phần.

c/ Chuyện của ông Liên - Người trúng đậm Kỳ tháng 7 - 2010.

Gần 20 năm trước, ông Liên thuộc hộ nghèo nhất nhì của thôn nghèo Nghĩa Tân, khăn gói theo các “xâu” (nhóm tìm trầm) lặn lội đến các vùng rừng sâu. Hầu như tất cả các cánh rừng từ Komplong, Tu mơ rông (Kon Tum) tới K’bang, Kongchro, AzunPa (Gia Lai) đều in dấu chân phu trầm Võ Liên, nhưng toàn thất bại.

Đời Phu Trầm Ngậm Ngải Tìm Trầm Săn Giấc Mở Tỷ Phú 04

Tưởng chừng yên phận “gác kiếm” ở nhà phụ vợ còn làm nông, đùng cái tháng 7 - 2010, ông Võ Quốc Tuấn (55 tuổi, cùng thôn) xâu trưởng lại rủ ông đi. Lặn lội cả tuần đói khát ở vùng rừng K’Bang (An Khê). Đột nhiên đến ngày thứ 6, lão Tuấn ré vang khi phát hiện gốc dó chết rục, đặc quánh màu đen, đốt lên bay mùi thơm nức. Cú đó, 9 phu trầm trong đoàn trúng được hơn 2kg kỳ nam.

Ngay trong đêm, họ phân tán chiến lợi phẩm cho từng người rồi tức tốc rẽ rừng về làng. Hai chiếc ô tô của tay thương lái người Nha Trang, Khánh Hòa) biết tin tìm đến. Chưa đầy nửa tiếng, 2 kg kỳ nam được ngã giá hơn 30 tỷ đồng. Ông Liên cùng các thành viên được chia mỗi người 3,5 tỷ.

Từ hộ nghèo, ông Liên mua sắm xe cộ, sửa nhà. Riêng ông Tuấn chung tiền với bạn hàng mua xe xúc xe ủi tham gia nghề xây dựng. Ông Nguyễn Sâm (45 tuổi, cùng thôn Nghĩa Tân) thành viên xâu trầm ông Tuấn tậu con xe ô tô 4 chỗ, dự định tiếp tục phát triển thêm dàn xe ô tô chuyên về du lịch. Nhiều người sắm nhà cửa, mua đất nhà dưới thành phố Đà Nẵng…

5/ Ăn của rừng - rưng rưng nước mắt.

Theo ông Cao Văn Nhạc - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa: Bao đời nay, chỉ riêng vụ trúng kỳ nam năm 2010 của nhóm ông Võ Quốc Tuấn (thôn Nghĩa Tân) là đậm nhất, hi hữu. Đổi lại đã có bao số phận bi thảm vì trầm kỳ. Trong căn nhà cấp 4 xập xệ hiu hắt, gần 3 năm nay, chị Nguyễn Hân (35 tuổi, thôn Nghĩa Tây, Đại Nghĩa) sống cảnh mẹ góa con côi.

Chồng chị, anh Nguyễn Kích, sau những năm tháng biền biệt “ngậm ngải” tìm trầm đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Hè năm 2009, anh Kích nói đi chuyến cuối để gỡ gạc, ai ngờ mới 4 - 5 ngày, cả nhà nghe hung tin anh bị nước lũ cuốn trôi ở vùng rừng An Khê khi đang băng suối. Chị bất lực nhìn thằng con đầu 15 tuổi bỏ học rời làng thay cha đi địu trầm. Để bây giờ, lại thấp thỏm chờ tin con với những chuyến địu trầm biền biệt lành ít, rủi nhiều.

Ông Nhạc cũng cho hay, trước đó xã Đại Nghĩa có người dân làm rể xã Đại Quang (Đại Lộc) theo nghiệp địu trầm bị sét đánh chết giữa rừng năm 2008. Còn bị thương tật, ốm đau, sốt rét kể không hết. Không phải ngẫu nhiên, tháng 8-2010 vừa qua, tin đồn 14 phu trầm xã Đại Quang, Đại Nghĩa chết tập thể vì ăn nấm độc giữa rừng khi địu trầm khiến “rúng động” cả vùng, bởi với phu trầm, mọi tai họa đều có thể xảy ra. Người dân ai nấy thường trực nỗi lo đổi mạng vì trầm.

Trong câu chuyện miệt rừng của mình, lão ông Nguyễn Văn Hường nhớ như in chuyến địu trầm đầu năm 1999. Chuyến đó, chính ông cùng các thành viên đã lập mộ chôn hai anh em ruột phu trầm Minh - Mẫn (người Khánh Hòa) vì bị trấn lột, đánh đập đến chết nơi bìa rừng.

“Hồi đó cảnh đụng độ với bọn giang hồ nhiều như cơm bữa. Giới phu trầm chúng tôi tìm cách cắt rừng theo hướng mới nhưng vẫn bị giang hồ, người dân tộc thiểu số “phục kích” tại các bờ suối. Không chỉ bị trấn lột, tịch thu lương thực, tài sản, nhiều người còn bị đánh đập đến chết. Chưa kể việc ăn phải nấm độc, lá độc, sốt rét không kịp chạy chữa đành bỏ mạng. Đến giờ nhắc lại nhiều giới địu trầm giải nghệ còn ám ảnh” - ông Hường nói.

phone