Phân Loại Trầm Hương và Cách Phân Biệt Các Loại Trầm Hương | Trương Văn Chư

Phân Loại Trầm Hương và Cách Phân Biệt Các Loại Trầm Hương

Trầm hương (Agawood) là tên gọi chung của loại gỗ đặc biệt được tạo ra bên trong thân cây dó bầu (Aquilaria tree). Tùy vào số năm tích trầm, hàm lượng tinh dầu, mùi hương và đặc điểm chất gỗ mà trầm hương được chia thành nhiều loại khác nhau.

Phân Loại Trầm Hương và Cách Phân Biệt Các Loại Trầm Hương 01

Hiện nay chưa có quy định của Nhà nước hoặc của tổ chức phi Chính phủ về tiêu chuẩn phân lọai, đánh giá phẩm cấp trầm hương.

Tiêu chuẩn đánh giá trầm hương thường dựa vào: Nguyên xứ, cường độ, loại hương, hình thù, kích cở, màu sắc, trọng lượng, tỷ trọng, độ tinh khiết và loài cây dó (Aquilaria tree) tạo ra trầm hương.

Trong giao dịch mua bán, việc phân loại trầm hương phần lớn dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm, đồng thuận, thông qua hành vi trực tiếp của con người như nhìn, sờ, gọt, bấm, đốt, nếm, ngửi …

Trầm hương được phân thành 4 hạng, và mỗi hàng lại được phân thành nhiều loại.

1/ Hàng 4: Trầm hương nhân tạo.

Khác với các loại trầm hương tự nhiên, trầm hương nhân tạo hình thành do sự tác động của con người. Có thể là sử dụng các biện pháp tạo nên vết thương cho cây Dó nhằm rút ngắn quá trình hình thành trầm. Cũng có thể sử dụng các kỹ thuật, công nghệ để tạo ra miếng trầm. Hiện nay chúng ta có các loại trầm hương nhân tạo phổ biến sau:

a/ Trầm sánh ghép:

Loại trầm hương này được tạo ra từ các lớp vỏ cây Dó Bầu có chứa một lượng nhỏ dầu trầm. Trầm sánh ghép được gia công và ép nén lại từng mảnh trầm mỏng lại với nhau tạo thành khuôn sau đó đem tiện hạt. Thường người ta sẽ sử dụng các hóa chất để kết dính chúng. Do đó nó rất dễ gây kích ứng cho người đeo trên cơ thể.

Trầm sánh ghép cũng có 3 loại: Chìm, chìm lửng và nổi. Xét về mặt giá trị cũng như chất lượng trầm thì chắc chắn loại này không sánh được với các loại trầm hương tự nhiên. Nhưng lại rất được ưa chuộng bởi giá rẻ và mẫu mã phong phú.

b/ Trầm ép dầu:

Trầm ép dầu cách hành thành cũng giống như cái tên của nó. Người ta dùng các phần gỗ của cây Dó Bầu có rất ít dầu trầm hoặc không có dầu trầm ép ở áp suất cao.

Sau quá trình ép này người ta sẽ thu được tinh dầu trầm hương thấm vào trong các mảnh gỗ. Chúng có mùi gần giống như các loại trầm hương tự nhiên, nhưng màu gỗ thì có phần đậm hơn và không thấy được vân gỗ.

Trầm ép dầu cũng có 3 loại: Trầm nổi, trầm chìm, trầm chìm lửng.

c/ Trầm dó bầu vườn:

Trong họ trầm hương thì trầm Dó Bầu là loại phổ biến nhất. Khác với các loại trầm hương tự nhiên, trầm Dó bầu hình thành do sự chủ động của con người. Các cây Dó bầu được trồng trong khoản 10 năm sẽ được tiến hành cấy tạo trầm. Phương pháp được sử dụng nhiều nhất là bôi một dung dịch đặc biệt vào vết thương của cây đã bị khoan hay đục.

Người ta có thể cấy trầm từ lớp vỏ hoặc từ lõi của nhân. Sau khi đã cấy trầm, mất thêm 5 năm nữa mới hình thành trầm hương. Tuy nhiên, tỷ lệ tạo trầm thành công của cây Dó Bầu cũng không được cao. Đó cũng chính là lý do tại sao trầm hương nhân tạo nhưng cũng rất đắt đỏ.

d/ Trầm hương cá sấu:

Trầm hương cá sấu hay còn gọi là Gaharu Buaya. Loại trầm hương này thường tìm thấy ở khu vực đầm lầy có loài cá sấu sinh sống tại Kalimantan, ở Indonesia.

Loại trầm này hình thành từ cây Aetoxylon, chứa các chất tựa như thành phần định hương trong nước hoa. Trầm hương cá sấu có mùi thơm nhẹ nhàng, lan tỏa tốt hơn khi tiếp xúc với nhiệt độ của cơ thể chúng ta. Hương thơm của nó ngọt ngào nhưng tương đối khác với các loại trầm hương tự nhiên của Việt Nam.

Phân Loại Trầm Hương và Cách Phân Biệt Các Loại Trầm Hương 02

(Trầm hương cá sấu)

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc xếp loại cho trầm hương cá sấu vào tự nhiên hay nhân tạo. Tuy nhiên thì chất lượng của laoij này cũng chỉ tương đương với trầm hương loại hai của chúng ta. Giá thành của nó cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.

2/ Hạng 3: Tốc.

Trầm tốc là trầm hương loại ba. Loại gỗ trầm này chứa hàm lượng tinh dầu thấp nên mùi hương thoang thoảng và không ngào ngạt như trầm hương tự nhiên hay kỳ nam. Mặc dù có mùi hương nhẹ nhưng mùi của trầm tốc không bị phai theo thời gian và chất gỗ khá chắc, ít bị hư hại. Với giá thành dễ chịu hơn, cũng có khá nhiều khách hàng lựa chọn trầm tốc thay vì kỳ nam hay trầm hương.

Phần lớn tốc có mức nhiễm dầu ít hơn trầm, chủ yếu là từ bên ngoài và dài theo thớ gỗ. Có khoảng vài chục loại tốc, với các tên gọi như: Tốc kiến, tốc đá, tốc cá ngừ, tốc hương, tốc lọn, tốc dây, tốc đỉa… Tuy nhiên, có thể xếp các dạng tốc thành 4 nhóm như sau:

+ Tốc đỉa là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu nhiều trong các thớ gỗ, dạng nhỏ, cỡ ngón tay, đầu đũa con hoặc như con đỉa.

+ Tốc dây là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu xen, tạo nhiều vòng giữa các thớ gỗ, thường có dạng tròn, dài, dáng rễ cây.

+ Tốc hương là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu dạng mảnh, mùi thơm nổi trội hơn các loại tốc khác.

+ Tốc pi là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu mỏng, bao quanh bên ngoài các thớ gỗ theo dạng hình tháp, hình ống lớn.

Trong 4 nhóm tốc thì tốc đỉa được đánh giá cao hơn về chất lượng. Tuy nhiên, việc xếp nhóm tốc không nhất thiết theo thứ bật phẩm cấp.

Cũng có cách phân loại là tốc bông, tốc kiến, tốc banh.

3/ Hàng 2: Trầm hương tự nhiên.

Trầm hương tự nhiên còn được gọi là trầm. Đây là loại gỗ trầm hương được sử dụng phổ biến nhất. Trầm hương tự nhiên là gỗ trầm được hình thành tự nhiên trong thân cây Dó bầu và được khai thác khi đã đủ tuổi. Dù không khan hiếm như kỳ nam nhưng gỗ trầm hương cũng có giá thành khá cao vì trung bình 1000 cây mới có 1 cây tạo trầm và quá trình khai thác cũng rất gian nan.

Trầm hương tự nhiên cũng được chia thành nhiều loại khác nhau tùy theo chất lượng bao gồm:

a/ Trầm rễ: 

Trầm rễ là loại gỗ trầm hương chứa hàm lượng tinh dầu cao nhưng không nhiều như kỳ nam. Vì thời gian tụ trầm ngắn hơn nên mùi hương của trầm rễ cũng không có nhiều tầng hương và đặc trưng như thanh kỳ hay hắc kỳ nam.

Hầu hết chúng để không được bày bán trên thị trường. Mà chủ yếu chỉ được mua bán qua tay và tốc độ tiêu thụ rất nhanh chóng.

b/ Trầm kiến: 

Trầm kiến là một trong những loại gỗ trầm hương tự nhiên. Loại gỗ này chỉ hình thành ở những cây có nhiều hang, lỗ do kiến đục để làm tổ. Sau đó, nhựa cây chảy ra để làm bảo vệ vết thương và ngăn ngừa nấm mốc, mối mọt. Đây cũng là lý do vì sao loại gỗ này được gọi trầm kiến.

Trầm kiến cũng được chia thành nhiều loại khác nhau:

+ Trầm kiến xanh: nằm ở vị trí thân cây Dó, gỗ có màu xanh đậm và cứng.

+ Trầm kiến điệp: gỗ của loại này mềm hơn so với kiến xanh và có rất nhiều loại.

+ Trầm kiến kim: gỗ có các đường vân nhỏ và dẹp chạy quanh, nhìn khá là giống đường kim may.

+ Trầm kiến vách lầu: các đường vân gỗ có hình thù như vách nhà lầu xây.

+ Trầm kiến gai: Trầm hình thành do kiến ăn ở giữa ruột cây Dó, chạy theo sợi vân. Loại trầm này còn có tên là kiến ông hay kiến trưởng lão.

+ Trầm kiến lỗ: trầm hình thành do kiến đục thành từng lỗ trong ruột cây Dó.

+ Trầm kiến trắng: Tên gọi của nó cũng chính là màu sắc của loại trầm này. Nó có chất lượng trầm khá tốt nên giá tiền cũng tương đối cao hơn.

+ Trầm kiến đen đục: gỗ của loại trầm này chỉ có trầm ở phía hai đầu, còn phần giữa thân thì toàn là cơm.

c/ Trầm mắt tử: 

Trầm mắt tử là loại gỗ trầm được hình thành từ cây Dó bầu có một số cành đã chết hoàn toàn. Lúc này, toàn bộ cây dồn hết sức mạnh để hồi sinh phần cành đã chết và vô tình tạo thành trầm hương. Gỗ trầm thường xuất hiện ở vị trí giữa thân cây và cành bị gãy, đứt do sét đánh hoặc giông bão.

Hiện nay, trầm hương tự nhiên được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, gỗ trầm thường có màu nâu nhạt đến nâu đậm tùy theo tuổi trầm và điều kiện phát triển. Tuy nhiên, mùi hương của trầm sẽ có sự khác biệt rõ rệt tùy theo chất lượng.

Nếu theo phẩm cấp, trầm được xếp thành 6 loại:

+ Loại 1, sắc sáp trắng, giá trị cao nhất trong 6 loại trầm;

+ Loại 2, sắc xanh đầu vịt , giá trị sau lọai 1;

+ Loại 3, sắc sáp xanh , gía trị sau lọai 2;

+ Loại 4, sắc sáp vàng, giá trị sau lọai 3;

+ Loại 5, sắc vằn lông hổ, giá trị sau lọai 4;

+ Loại 6, sắc vàng đốm dầu, giá trị thấp nhất trong 6 loại trầm.

Sách xưa chia trầm hương thành 5 loại: Hoàng lạp trầm, Hoàng trầm, Giác trầm, Tiến hương, Kê cốt hương, trong đó Hoàng lạp trầm là tốt nhất.

4/ Hạng nhất là Kỳ nam hay còn gọi là Kỳ.

Là loại trầm hương có phẩm cấp cao nhất, cho nhiều dầu, nhẹ, mềm, dẻo, nhuyễn, khi nếm có đủ vị chua, cay, đắng, ngọt; tỏa mùi thơm tự nhiên, khi đốt hương thơm đặc biệt, khói xanh, bay thẳng và dài lên không trung. So với trầm hương tự nhiên, kỳ nam quý hiếm hơn rất nhiều và sản lượng vô cùng khan hiếm.

Kỳ nam cũng được tạo thành bên trong cây Dó bầu với cơ chế tương tự nhưng kỳ nam lại có lượng tinh dầu cao hơn và thời gian tụ trầm lâu hơn. Nói một cách dễ hiểu thì kỳ nam chính là trầm hương đã trải qua thêm một thời gian tụ trầm dài. Tuy nhiên, để trầm hương biến thành kỳ nam còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết. Chính vì vậy, kỳ nam là loại gỗ vô cùng quý hiếm và có giá bán rất đắt đỏ.

Kỳ nam được chia thành 4 loại:

a/ Bạch kỳ: Sắc trắng ngà, xám nhạt, mịn, vô cùng quý hiếm, có mùi thơm đặc trưng, ít khi có, đắt giá nhất. Các chuyên gia ước tính, loại gỗ này có thời gian tụ trầm kéo dài khoảng 3000 năm. Lúc này, gỗ trầm không còn mềm, bóng như trước mà đã hóa thạch và trở nên cứng chắc. 

b/ Thanh kỳ: Thanh kỳ là gỗ trầm hương có thời gian tụ trầm khoảng 2500 năm và quý hiếm chỉ sau bạch kỳ nam. Loại gỗ trầm hương này có màu xanh lam ánh tím, mặt bên trong có xen kẽ giữa màu vàng và xanh lá cây. Thanh kỳ có mùi hương tao nhã, nồng nàn với sự kết hợp của hương thơm mát của núi rừng, sau đó là mùi hương anh túc và sự ngọt ngào, ấm nóng của mật ong.

c/ Huỳnh (Hoàng) kỳ: Hoàng kỳ là gỗ trầm hương có thời gian tụ trầm từ 1500 năm. Như tên gọi, loại gỗ này có màu vàng như màu hổ phách, chất nặng, cứng và độ bóng cao. Hoàng kỳ có mùi thơm dịu nhẹ, không nồng nàn như thanh kỳ kèm thêm một chút mùi quế thoảng qua. Khi nếm, sẽ thấy loại gỗ này có vị mát lạnh và ngọt đắng.

d/ Hắc kỳ: Hắc kỳ nam có màu đen, chất nặng, cứng nhưng ngay khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ có các điểm sáng như giữa nền vân gỗ đen. Hiện tại, trên thị trường có một số lượng ít hắc kỳ nam được bán với mức giá vô cùng đắt đỏ. Để tránh mua phải gỗ giả, có thể đốt hoặc nếm thử hắc kỳ nam. Gỗ thật khi đốt sẽ có mùi thơm thoảng nhẹ, thư giãn và khi nếm vào sẽ có vị cay, hơi đắng.

Sách xưa xếp loại Kỳ nam: nhất Bạch, nhì Thanh, tam Huỳnh, tứ Hắc.

Phân loại trầm hương theo xuất xứ.

Cây dó bầu là loài thực vật thường xanh, ưa sáng và sinh trưởng tốt trong khí hậu nhiệt đới. Do đó, các quốc gia Đông Nam Á và một số nước Châu Á đều có sản lượng trầm hương tự nhiên khá dồi dào. Đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt khiến cho gỗ trầm hương ở những quốc gia này cũng có sự khác biệt rõ rệt.

1/ Trầm hương Việt Nam.

So với trầm hương của các quốc gia khác, trầm hương Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Gỗ trầm có màu nâu bóng đẹp nhờ hàm lượng tinh dầu cao, vân trầm dày, đậm và rõ nét. Mùi thơm của gỗ trầm Việt Nam rất đặc trưng và để lại ấn tượng sâu sắc chỉ sau một lần thưởng thức.

Phân Loại Trầm Hương và Cách Phân Biệt Các Loại Trầm Hương 03

(Trầm hương Việt Nam)

Ở nước ta, cây dó bầu – trầm hương tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Trầm hương tự nhiên sở hữu hàm lượng tinh dầu cao, mùi hương tao nhã, cuốn hút mang đến cảm giác thư giãn và thoải mái. Dù hương trầm không nồng nàn như hương hoa nhưng lại rất lâu phai và mang đến cho bầu không khí thanh tịnh, an nhiên.

2/ Trầm hương Ấn Độ.

Trầm hương Ấn Độ là một trong những loại gỗ trầm hương tự nhiên được yêu thích trên thị trường. Với khí hậu nhiệt đới đặc trưng, trầm hương Ấn Độ chứa hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm nồng nàn hơn so với trầm hương Việt Nam. Tuy nhiên, giá gỗ trầm hương Ấn Độ khá cao nên người Việt vẫn ưa chuộng trầm hương trong nước hơn.

3/ Trầm hương Indonesia.

Trầm hương Indonesia có mùi thơm nồng, chất gỗ nặng, có màu đen sẫm và vân trần dày. Nếu so sánh với trầm hương Việt Nam, gỗ trầm có xuất xứ từ Indonesia có chất lượng không thua kém. Tuy nhiên, màu sắc của trầm tương đối tối nên không thích hợp với những người trẻ tuổi.

Hơn nữa, số lượng trầm hương Indonesia ở thị trường Việt Nam không nhiều và dễ bị làm giả nên bạn đọc cần chú ý khi mua loại gỗ trầm này.

4/ Trầm hương Lào.

Có khí hậu khá giống với Việt Nam, trầm hương Lào cũng là lựa chọn được nhiều khách hàng yêu thích. Khác với trầm hương Indonesia, trầm hương có xuất xứ từ Lào có màu xám gỗ hoặc vàng xám, vân trầm đậm hơn, hiện rõ và có mùi hương thoảng nhẹ.

Vì vị trí địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu không quá khác biệt nên rất nhiều người yêu thích trầm hương Lào. Vào những thời điểm khan hiếm trầm hương Việt Nam, nhiều người chuyển sang sử dụng trầm hương Lào vì chất lượng không quá khác biệt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng màu sắc của gỗ trầm Việt đẹp và đa dạng hơn.

5/ Trầm hương Philippines.

Ngoài các loại trầm hương trên, trầm hương Philippines cũng là lựa chọn của khá nhiều người. Gỗ trầm có xuất xứ từ Philippines có màu đen xám, vân rất dày và có màu đậm. Hương thơm của trầm thanh hơn so với trầm hương Việt Nam.

Về chất lượng, trầm hương Philippines không quá khác biệt so với trầm hương Việt Nam. Tuy nhiên, do phải tính thêm chi phí nhập khẩu nên giá của trầm Philippines đắt hơn. Đây cũng là lý do vì sao trầm hương Việt Nam vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu.

Cách phân biệt trầm hương tự nhiên và nhân tạo.

Trên thực tế việc phân biệt được các loại trầm hương tự nhiên và nhân tạo là vô cùng khó. Thường thì những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trầm và được tiếp xúc nhiều loại trầm khác nhau mới có thể xác định được.

Tuy nhiên nếu là người không biết rõ về trầm, muốn yên tâm hơn khi chọn mua trầm hương thì có thể dựa vào một số kinh nghiệm sau:

Đầu tiên thì dựa vào giá cả của nó. Các loại trầm hương tự nhiên vô cùng quý hiếm nên giá thành của chúng có giá trị kinh tế tương đối ca. Có loại dao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ 1kg, có loại lên đến chục tỷ/1kg. Còn trầm hương nhân tạo thì giá thành rẻ hơn đôi chút, nhưng cũng phải cả trăm triệu trở lên /1kg.

Tiếp theo có thể dựa vào lượng dầu trầm của gỗ. Các loại trầm hương tự nhiên thường có lượng dầu trầm rất lớn. Đa phần vân dầu in rõ trên từng sớ gỗ và rất dễ quan sát bằng mắt thường. Có những loại có lượng dầu trầm lớn đến mức gỗ mềm và ẩm, dầu trầm thì dẻo quánh. Còn trầm hương nhân tạo thì lượng dầu ít hơn. Có những loại còn không thấy được vân dầu. Chất gỗ tương đối cứng và thô.

Mùi hương cũng là một trong những đặc điểm có thể phân biệt được các loại trầm hương tự nhiên và nhân tạo. Do lượng dầu trầm ít hơn nên trầm hương nhân tạo không lưu hương lâu như trầm hương tự nhiên.

phone