Trầm hương và Kỳ nam đều được hình thành từ lõi của cây dó bầu. Tuy nhiên chúng hoàn toàn khác nhau, kỳ nam thường có giá đắt gấp 10-20 lần so với trầm hương.
1/ So sánh Trầm hương và Kỳ nam.
Để phân biệt trầm hương và kỳ nam, người ta thường căn cứ vào mùi thơm và dạng kết tinh của dầu, sự hóa nhựa ít hay nhiều để nhận biết.
a/ Kỳ nam.
Kỳ nam là loại gỗ được đánh giá là có chất lượng tốt nhất trong tất cả các loại trầm hương hiện nay. So với trầm tự nhiên thì kỳ nam được biết đến là loại cực kỳ quý và có sản lượng khan hiếm.
Cũng như trầm hương, kỳ nam cũng được tạo thành bên trong cây dó bầu theo cơ chế tương tự. Tuy nhiên, kỳ nam có lượng tinh dầu nhiều hơn và có thời gian tích tụ trầm lâu hơn so với trầm hương.
+ Kỳ nam được tạo thành từ sự biến đổi hoàn toàn các phân tử gỗ, do đó nó thường có màu nâu đậm hoặc đen, gỗ mềm gần giống như sáp ong nhưng khó nhận thấy thớ gỗ, dễ chìm trong nước.
+ Kỳ nam có mùi thơm rất đặc trưng, ngào ngạt, dù gói kín nhiều lớp thì vẫn không giấu được mùi thơm. Mùi thơm của Kỳ Nam có thể lưu giữ rất lâu.
+ Vị của kỳ nam gồm đủ chua, cay, ngọt, đắng.
+ Đốt kỳ nam thì khói lên thẳng và cao, lơ lửng lâu trong không khí.
Kỳ nam được chia làm bốn loại gồm:
+ Bạch Kỳ: rất hiếm và quý, màu xám nhạt, tinh dầu tích tụ đều khắp thớ gỗ tạo thành khối màu xám, bóng mờ như dầu;
+ Thanh Kỳ: màu đen nhánh có ánh xanh lục, mùi thơm rất dễ nhận biết;
+ Huỳnh Kỳ: màu vàng sẫm;
+ Hắc Kỳ: màu đen bóng như hắc ín, mềm và dẻo hơn ba loại trên.
Từ xa xưa, Kỳ Nam đã được xem là một loại sản vật quý hiếm có giá trị cao, đứng đầu trong các loại gỗ quý hiếm. Hương thơm của Kỳ Nam rất đặc trưng và có tác dụng giúp ngăn chặn tà khí, đồng thời có thể bảo vệ sức khỏe và hạn chế bệnh tật cho người sở hữu. Ngoài ra, Kỳ Nam còn có nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy và tâm linh.
Chính vì những tác dụng kỳ diệu ấy mà nhiều người muốn sở hữu, săn lùng Kỳ Nam nhất là những người thuộc giới chơi trầm. Tuy nhiên giá trị của Kỳ Nam cũng cao hơn các loại trầm thông thường khác bởi tính quý hiếm của nó.
b/ Trầm hương.
+ Trầm hương được tạo thành từ gỗ ít tẩm nhựa hơn, do vậy có mùi ít thơm hơn, gỗ có màu nâu hay sọc (chỉ) nâu đen;
+ Trầm có vị đắng;
+ Trọng lượng nhẹ, nổi trên nước được;
+ Gỗ trầm có vân đậm nhạt và gợn sóng.
+ Khi đốt trầm cho mùi hương nhẹ, khói trầm kết xoáy, tan nhanh trong không khí.
+ Khi ngửi trầm hương nếu chỉ ngửi ở bên ngoài sẽ có loại không cảm nhận được mùi thơm hoặc có thơm ít. Đặc biệt, khi đốt trầm hương, trầm hương sẽ tỏa ra một mùi thơm nhẹ nhàng, nồng ấm do tinh dầu trầm có bên trong được đốt cháy. Hương thơm của trầm hương có mùi thơm nhẹ, không nồng mà thoang thoảng nhưng vẫn tạo cảm giác sang trọng và rất đặc biệt.
Trầm hương được phân làm sáu loại chất lượng từ 1 - 6. Loại 1 gọi là “dzách lầu” hàng xịn, giá rất đắt. Loại 6 là hàng xô. Do hình dáng, kích thước, màu sắc, trọng lượng và hương vị mà trầm hương được gọi bằng nhiều tên khác nhau: trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm bông, trầm da bao, trầm điệp lá, trầm điệp trai, trầm bọ sánh, trầm kiến xanh, trầm kiến lọn. Trầm bới được từ những đống gỗ mục của cây gió chết khô từ lâu gọi là trầm rục.
2/ Quá trình hình thành Trầm hương và Kỳ nam.
Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng trầm, kỳ hình thành bởi cây dó tiết ra nhựa nhằm tiêu diệt côn trùng và các loại nấm để bảo vệ vết thương. Quá trình này diễn ra rất chậm, từ 50 năm đến hàng thế kỷ.
Qua nghiên cứu tài liệu từ các nhà khoa học đầu ngành về trầm, kỳ ở nước ngoài thì nhiều khả năng trầm là một bệnh phẩm hay sản phẩm của sự nhiễm bệnh, nói cách khác, nó là sản phẩm của phản ứng tự vệ của cây chống lại sự nhiễm bệnh.
Sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích do sâu bọ đục lỗ hoặc do con người gây ra như khoan lỗ, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc các loài ký sinh trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó...
Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó hình thành trầm hương trong điều kiện tự nhiên, không phải cây dó nào cũng cho trầm, kỳ mà hàng trăm, hàng ngàn cây mới có một cây cho trầm.
3/ Công dụng của Trầm hương và Kỳ nam.
Ở Việt Nam, gỗ có nhựa trầm, kỳ được dùng để làm tượng, các sản phẩm trang trí, chế tác đồ trang sức, làm vòng cho các vị sư vừa gõ mõ tụng kinh vừa lần tràng hạt. Trầm hương được người Việt Nam sử dụng rất nhiều để làm nhang đốt cho có mùi thơm.
Các thầy thuốc dân gian ở nước ta thường dùng trầm hương chế thuốc chữa những bệnh không có gì đặc biệt như: bổ dương, bổ thận, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn mửa, hen suyễn, đau bụng, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, cấm khẩu, khó thở, thấp khớp, dùng cho phụ nữ sau khi sinh...
Trong một số tài liệu Đông y thì kỳ nam có tác dụng lợi tiểu và điều trị một số bệnh tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy thổ tả, trị gió, chống cảm mạo...
Một số đồng bào ở những vùng có nhiều trầm hương thường lấy gỗ trầm, kỳ sắc với nước uống hàng ngày như uống trà và loại nước này có tác dụng kháng khuẩn khá tốt.
Ở vùng cao tỉnh Khánh Hòa, đồng bào còn dùng cả cục kỳ nam bọc vào tấm vải treo ở cửa sổ để trừ tà khí. Trẻ em thì được đeo một miếng ở cổ hoặc tay và người ta xem đó như “bùa hộ mệnh”.
Trầm, Kỳ còn được dùng để ngâm rượu uống.
Trong các sách Đông y còn nói cả đến tác hại của trầm, kỳ, theo đó, những phụ nữ mang thai mà uống tinh dầu trầm, kỳ sẽ bị trụy thai và những người suy nhược cơ thể, suy gan, hỏa tính mà dùng trầm, kỳ sẽ có hại cho cơ thể...
Các nước Trung Đông dùng nhiều trầm hương hơn cả. Họ bôi dầu trầm vào người hàng ngày cho thơm. Trong các nhà thờ, những nơi diễn ra các nghi lễ trang trọng, các tấm thảm để quỳ cũng được tẩm ướp dầu trầm. Dầu trầm được dùng nhiều trong việc tẩm vào vải để... bảo quản xác chết, giữ xác chết lâu phân rã, bốc mùi.
Những công nhân làm việc trong các mỏ khai thác dầu cũng dùng trầm hương hàng ngày như phụ nữ dùng kem dưỡng da. Họ bôi dầu trầm lên khắp cơ thể để trừ khí độc trước khi vào khu vực khai thác dầu mỏ. Với người Trung Đông, trầm hương là một loại sản phẩm thông dụng và được dùng vào những việc rất thông thường.
Ở Ấn Độ, mặc dù là nơi trồng khá nhiều cây dó bầu và cũng là nước xuất khẩu trầm hương lớn nhất, song trầm hương lại không có giá trị mấy trong đời sống của họ. Trầm hương chủ yếu được dùng dưới dạng bột tán. Vào phút chót của cuộc hỏa thiêu người chết, người ta rải bột trầm vào đốm lửa cho mùi thơm tỏa lên rồi mang tro hài cốt về thờ.
Ở thị trường châu Âu, trầm hương được dùng trong công nghệ chế tác mỹ phẩm, đặc biệt là nước hoa. Tuy nhiên, buồn ở chỗ trầm hương không phải là thứ quý nhất trong những lọ nước hoa Pháp đắt tiền mà nó chỉ là chất định hương.
Mỗi lọ nước hoa to tướng người ta nhỏ vào vài giọt trầm để giữ được mùi hương lưu lại lâu hơn khi sử dụng. Tất nhiên, vai trò định hương là không thể thiếu để lọ nước hoa có giá trị, nhưng với khả năng sử dụng chỉ vài giọt thì các nhà máy chế biến nước hoa cũng không cần nguồn nguyên liệu nhiều lắm.
Kỳ nam hầu như ít được nhắc đến ở thị trường Trung Đông và châu Âu, điều đó không có nghĩa là nó quý quá, hiếm quá, tốt quá khiến người ta không có tiền để mua mà vì người ta không có nhu cầu sử dụng nó. Kỳ nam được tiêu thụ ở thị trường Đài Loan và Nhật Bản.
Được chế biến thành các loại gia vị, thức ăn cao cấp dùng trong cung đình, cho giới quý tộc.